>> Nhiệt liệt chào đón các bạn đến tham gia diễn đàn VNSV<<
>><<
Kết quả 1 đến 1 của 1

Chủ đề: Bệnh Parvo ở chó.

  1. #1
    Ngày tham gia
    Dec 2012
    Bài viết
    51
    Thanks
    81
    Thanked 494 Times in 52 Posts

    Bệnh Parvo ở chó.

    Bệnh Parvo ở chó.


    (Canine parvovirus )

    BỆNH PARVO LÀ GÌ ?

    Là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan nhanh và làm chết nhiều chó, đặc biệt chó non, do Canine parvovirus ( CPV ). Bệnh lây trực tiếp từ chó sang chó hoặc qua phân thải có virus phát tán trong môi trường qua các nhân tố trung gian truyền lây: dụng cụ chăn nuôi , chim chóc, gậm nhấm, côn trùng ruồi nhặng mang mầm bệnh từ phân tanh hôi hấp dẫn bay đến gây nhiễm cho chó khỏe từ ổ dịch tới các nơi khác. Thậm chí các phương tiện giao thông: vết lốp xe, giày dép có dính phân chó bệnh hoặc bàn tay tiếp xúc con người từ chó ốm cho chó khỏe cũng có thể làm lây lan bệnh.

    CON NGƯỜI BIẾT BỆNH NÀY TỪ KHI NÀO ?

    Canine parvovirus ( CPV ) phát hiện vào cuối những năm 1970, được xác nhận là dịch lần đầu tiên vào năm 1978 nhưng chỉ trong vòng một, hai năm sau đó nó đã trở thành đại dịch của chó trên toàn thế giới.

    Qua phân lập từ năm 1979 đến 1984, các nhà khoa học đã xác định phần lớn chó nhiễm hai chủng virus CPV2aCPV2b, nhưng ở Ý, Tây Ban Nha, và Việt Nam người ta còn phát hiện chủng virus thứ ba CPV2c cũng gây bệnh Parvo cho chó.



    Canine parvovirus type 2 (CPV2)

    CÓ LÂY BỆNH Ở CÁC LOÀI KHÁC KHÔNG ?

    Virus Parvo còn gây bệnh cho cáo, chồn và các loài chó hoang dã. Người ta còn phát hiện 2 chủng CPV2a và CPV2b ở mèo và họ nhà mèo, nhưng hầu như không gây bệnh cho chúng. Virus Parvo CPV chỉ nguy hiểm trong loài chó, không gây bệnh cho loài chim, họ nhà mèo và con người, nhưng các yếu tố "trung gian" này lại có thể mang mầm bệnh làm lây lan các ổ dịch lớn cho chó. Virus Parvo có thể sống trong môi trường thiên nhiên có ánh sáng mặt trời 5 tháng, bóng tối 7 tháng, trong nhà ở có vệ sinh hàng ngày 1 tháng.
    Tế bào ống tiêu hóa là nơi tấn công của Parvovirus.

    CHÓ BỊ PARVO CÓ TRIỆU CHỨNG GÌ ?

    Khi nhiễm virus ủ bệnh, trên 80% chó không hề có triệu chứng lâm sàng. Giai đoạn phát bệnh sau 3-10 ngày nhiễm virus, các dấu hiệu : mệt mỏi, ủ rũ, nôn khan ra bọt dãi nhớt màu vàng xanh, sốt và tiêu chảy thường có máu.

    Nôn ra dịch nhầy có cục máu, nôn khan liên tục là dấu hiệu đầu tiên của Parvovirus.
    Xuất huyết niêm mạc ruột.
    Tiêu chảy ra máu mùi tanh khẳm như mùi cá ươn chết thối.

    Virus gây viêm xuất huyết toàn bộ ống tiêu hóa, mất nước và rối loạn điện giải trầm trọng. Chó suy sụp nhanh chóng do mất máu, thiếu máu, hạ protein, nội độc tố sinh ra gây chứng nhiễm độc huyết endotoxemia, suy giảm các loại bạch cầu phòng vệ. Chó bị chết nhanh do shock, trụy tuần hoàn, hô hấp.


    Giun tròn cũng đồng hành với Parvovirus hủy hoại đường tiêu hóa của chó non.

    Việc chữa trị hiệu quả rất thấp, đặc biệt với chó non vì chúng chịu nhiều stress môi trường xung quanh, nhiễm ký sinh trùng đường ruột, thường kế phát các bệnh vi khuẩn khác gây viêm ống tiêu hóa trầm trọng.

    CÓ THỂ CHẨN ĐOÁN BỆNH BẰNG CÁCH NÀO ?

    Lấy mẫu phân nghi nhiễm làm phản ứng Miễn dịch học ELISA (Enzyme-Linked ImmunoSorbent Assay) phát hiện kháng thể từ bộ kháng nguyên mẫu, hoặc phản ứng "ngưng kết hồng cầu" Hemagglutination Assay tìm virus, hoặc soi trên kính hiển vi điện tử.




    Khay làm Test ELISA



    Nhưng các triệu chứng điển hình kể trên, đặc biệt tiêu chảy có máu, giảm nhanh lượng bạch cầu, chó không được tiêm vaccine phòng bệnh có giá trị chẩn đoán lâm sàng cao và dễ dàng nhất.

    ĐIỀU TRỊ BỆNH THẾ NÀO ?

    Cần điều trị bệnh sớm từ các dấu hiệu đầu tiên hoặc nghi nhiễm từ các chó ốm : ủ rũ, nôn khan, mất nước.

    Không có thuốc đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng, bù dịch cân bằng điện giải và chống các nhiễm trùng kế phát bằng một số loại kháng sinh: cefoxitin, metronidazole, timentin, enrofloxacin. Bổ sung vitamine.

    Có thể tạo "Miễn dịch thụ động" bằng truyền huyết thanh của chó khác đã xác định có miễn dịch với Parvo để điều trị chó ốm.
    Truyền bù dịch và cân bằng điện giải là không thể thiếu được trong điều trị chó bị bệnh Parvovirus.

    CÁCH PHÒNG VÀ NGĂN NGỪA BỆNH LÂY LAN ?

    1. Miễn dịch chủ động bằng tiêm vaccine Parvo cho chó ngay từ 6- 8 tuần tuổi. Tiêm nhắc lại sau một tháng để hoàn thành "Miễn dịch cơ bản" cho chó non. Các bác sỹ thú y Hoa-Kỳ khuyến cáo tiêm thêm lần thứ ba sau một tháng cho "Miễn dịch cơ bản". Sau đó hàng năm phải chủng nhắc lại một lần. Trên các nhãn thuốc, vaccine Parvo có ký tự " P " viết tắt của Parvovirus.

    2. Chó non dưới 4 tháng tuổi, chó chưa được miễn dịch với bệnh Parvo không nên cho tiếp xúc với chó khác hoặc các tác nhân "trung gian " có thể truyền bệnh : môi trường, dụng cụ chăn nuôi vận chuyển chó, hoặc các chủ chó khác.

    3. Cần tiêm phòng vaccine chậm nhất 1 tháng trước khi chó mẹ mang thai để tạo miễn dịch tự nhiên cho chó con sau khi sinh.

    4. Chăm sóc, dinh dưỡng đủ chất và khoa học tăng sức kháng bệnh của chó. Tẩy giun sán chó non ngay từ một tháng tuổi.

    5. Thực hiện công tác Kiểm dịch động vật và vệ sinh môi trường nghiêm ngặt ở các nơi tập trung nhiều chó : Dog show, Petshop, Tiệm làm đẹp chó, các Trung tâm huấn luyện chó, các chợ chó. Đặc biệt phải kiểm soát và xử lý chất thải từ các "lò mổ" , nơi chế biến và vận chuyển chó giết thịt. Chủ nuôi chó phải sau ít nhất 1 tháng từ khi có chó chết dịch mới được mang chó khác về nuôi. Xác chó chết nghi mắc bệnh phải được xử lý chôn sâu giữa hai lớp vôi bột, không thả trôi sông, suối, thùng rác hoặc các nơi công cộng.
    Ngoài việc tiêm phòng bệnh Dại là bắt buộc, nên chăng ngành Thú Y Việt nam cũng đưa bệnh Parvo vào Danh mục Các Bệnh phải Kiểm dịch ?

    6. Các chất tẩy rửa thông thường có thể diệt được virus. Cần làm sạch và sát trùng thường xuyên môi trường, chuồng trại, dụng cụ chăm sóc và các phương tiện vận chuyển chó.
    Bác sỹ Thú Y Hoàng Ngọc Báu.

  2. 2 thành viên cám ơn Dr.greenvet-hanoi cho bài viết này:


Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •